Thứ hai, ngày 29 tháng 04 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Viện Vắc xin và sinh phẩm Y tế (IVAC): Giá trị của sự bền bỉ
Hàng thập kỷ nằm lòng hai từ “hiệu quả” và “an toàn”, dẫu trải qua nhiều thăng trầm của nghề nghiệp và thời cuộc, Viện Vắc xin và sinh phẩm Y tế (IVAC) vẫn bền bỉ gìn giữ và nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề. Đó là một di sản không dễ có được.
 
Công nghệ sản xuất vaccine cúm dựa trên trứng gà có phôi là một di sản mới của IVAC. Nguồn: PATH

    Có lẽ, với người ngoài ngành Y, cái tên IVAC dường như không đủ sức khơi gợi một thông tin hay một xúc cảm cụ thể, bất chấp việc hầu như ai đó khi lớn lên đều được hưởng một liều vaccine BCG, mũi tiêm để lại vết sẹo nhỏ ở tay trái. Hiệu ứng miễn dịch được tạo ra từ mũi tiêm duy nhất đó đã góp phần bảo vệ tính mạng người thụ hưởng khỏi một trong những căn bệnh cho đến những năm 1930 vẫn còn vô phương cứu chữa, và có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể: bệnh lao. Hầu như chỉ có người làm ngành y mới biết rằng ở Việt Nam, liều vaccine kỳ diệu đó chỉ có thể đến từ một nơi duy nhất: IVAC, viện nghiên cứu trung ương đặt tại Nha Trang, nằm trên con đường mang tên cha đẻ của liệu pháp miễn dịch, Louis Pasteur. “Mỗi năm, chúng tôi làm được khoảng ba, bốn triệu liều vaccine BCG, tiêm được cho mấy triệu cháu đầu đời để phòng lao. Vô các bệnh viện hay các phòng tiêm chủng, nhìn lên bảng chạy tên những loại vaccine dịch vụ, mình thấy ‘ủa sao toàn vaccine nước ngoài vậy’, nhưng khi hiển thị hàng chữ vaccine BCG thì thấy tự hào lắm. Bởi vaccine mình làm ra đạt tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp cho chương trình tiêm chủng mở rộng và đáp ứng nhu cầu của người dân để bảo vệ sức khỏe các cháu”, ThS Nguyễn Thành Tín, trưởng phòng sản xuất vaccine BCG của IVAC, nói.
    Cũng giống như những người anh em cùng ngành là Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), Công ty Vắc xin và Sinh phẩm Y tế số 1 (VABIOTECH)…, IVAC tồn tại trong một không gian đậm đặc chất di sản thuộc địa, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nơi đó, những gốc rễ của hiện tại đều được bắt nguồn từ một nền tảng quá khứ đáng tự hào, gắn liền với những tên tuổi lừng lẫy như Louis Pasteur, Alexandre Yersin, Albert Calmette, Noël Bernard, Paul-Louis Simon… Khó có điểm khởi đầu nào tốt đẹp hơn. Nhưng cũng thật khó để tiếp nối hơn, bởi không dễ để duy trì được phẩm chất quốc tế cho những sản phẩm mình làm ra trong bối cảnh những tiêu chuẩn của ngành vaccine ngày một được nâng cao và tác động từ những biến thiên chính sách.  
 
Bằng cách nào, IVAC có thể vượt qua những điều đó, với những nguồn lực thật khiêm tốn? 

    Sự tồn tại của một cơ sở nghiên cứu và sản xuất vaccine, vì vậy, là những cuộc đua đường dài lặng lẽ và bền bỉ, đôi khi là chạy đua với chính mình. Không có tiếng hò reo cổ vũ của khán giả, không chắc có may mắn trên đường đua hay phần thưởng ở vạch đích, và thất bại lúc nào cũng có thể cận kề.
Cuộc chạy đua lặng lẽ
    Chuyện của người làm vaccine luôn mang sắc thái riêng biệt. Mỗi sản phẩm cung cấp cho thị trường gói ghém trong lòng nó hàng thập kỷ nghiên cứu và hàng thập kỷ làm chủ công nghệ để tạo ra một chu trình sản xuất ổn định, hiệu quả. “Thời gian với vaccine không bao giờ là một chốc một lát, không bao giờ đo được bằng một, hai năm. Nó phải được tính cả chục năm hoặc hơn thế”, TS. Vũ Minh Hương, cố vấn kỹ thuật vùng ở PATH, một tổ chức phi chính phủ đã gắn bó với IVAC chục năm có lẻ để phát triển công nghệ vaccine trên trứng gà có phôi, nhận xét vào năm 2021. 
    Sự tồn tại của một cơ sở nghiên cứu và sản xuất vaccine, vì vậy, là những cuộc đua đường dài lặng lẽ và bền bỉ, đôi khi là chạy đua với chính mình. Không có tiếng hò reo cổ vũ của khán giả, không chắc có may mắn trên đường đua hay phần thưởng ở vạch đích, và thất bại lúc nào cũng có thể cận kề. Người ta vẫn nhớ Sanofi từng mất cả thập kỷ (và không biết tốn mất bao nhiêu tiền) phát triển vaccine sốt xuất huyết nhưng phải dừng vì phát hiện nguy cơ nhiễm bệnh ở một số trẻ em; GlaxoSmithKline (GSK) mất ba thập niên phát triển vaccine sốt rét đầu tiên trên thế giới nhưng chỉ đạt hiệu quả bảo vệ 50%… Zain Rizvi, nhà nghiên cứu về khả năng tiếp cận dược phẩm Mỹ, từng nhận xét, sức ép trong phát triển vaccine khiến các gã khổng lồ đôi khi cũng mắc lỗi ngớ ngẩn không tưởng.
    Nhưng không thể bỏ cuộc hay chọn cách làm dễ. Tất cả đều đòi hỏi sự tích lũy nguồn lực, một sự trường vốn cả về know-how, nhân lực và kinh phí, đủ để theo hết một chu trình sản phẩm, trong đó có sản phẩm bắt đầu từ con số không. “Bí quyết thành công của IVAC, nếu gọi như vậy, là sự bền bỉ xây dựng năng lực theo thời gian, không phải ngay một lúc mà có được”, TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC cho biết.
Dây chuyền sản xuất vaccine cúm ở IVAC. Nguồn: IVAC
 
    Bền bỉ xây dựng năng lực theo thời gian – chỉ những người ở IVAC mới thấm thía hết ý nghĩa của cụm từ này. “Nếu trong 10 năm đầu thành lập, kể từ năm 1978, IVAC chủ yếu là củng cố cơ cấu tổ chức và thiết lập các tiền đề cơ bản cho sản xuất vaccine công nghiệp, thì đến 10 năm tiếp theo, IVAC sản xuất thành công được vaccine DPT (bạch hầu – ho gà –uốn ván), vaccine BCG để cung cấp cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Đây là điểm mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển sản phẩm từ quy mô thủ công lên quy mô công nghệ sinh học”, PGS. TS Lê Văn Bé, nguyên Viện trưởng IVAC, nhớ về quá trình xây dựng năng lực của viện. Gần 40 năm trước, ông cũng là một trong những người thuộc thế hệ làm vaccine thứ hai của IVAC tham gia các ê kíp lên men rồi chuyển sang ê kíp tinh chế, ê kíp thành phẩm phối trộn vaccine ba trong một…, và chứng kiến trọn vẹn bước chuyển đổi ở những thời khắc quyết định. 
    Trên đường biên đánh dấu sự chuyển đổi về quy mô và công nghệ sản xuất vaccine ở IVAC, cây gậy tiếp sức được chuyển giao qua các thế hệ. Hãy thử hình dung, thuở ban đầu còn trứng nước, dưới sự dẫn dắt của bậc tiền bối như Yersin, Nha Trang đã từng sản xuất vaccine lao, tả, đậu mùa… nhưng ở quy mô và kỹ thuật thủ công, sản lượng thấp, chất lượng không đồng đều và mức độ tinh sạch chưa cao. Khi được thành lập, IVAC vẫn tiếp nối di sản đó nhưng khao khát đổi mới để làm ra sản phẩm có chất lượng cao hơn. “May mắn cho IVAC là các thế hệ đi trước đã tìm dự án, nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF. Họ đã đầu tư cho mình một nhà máy để sản xuất các vaccine đó”, PGS. TS Lê Văn Bé nhớ lại. “Trong quá trình xây dựng nhà máy từ năm 1981 đến năm 1986, Viện cũng cử người đi học hỏi quy trình công nghệ trên các dây chuyền mới ở Hà Lan, Hungary và Nhật Bản để về sản xuất vaccine bạch hầu – ho gà – uốn ván và vaccine BCG theo tiêu chuẩn GMP lúc bấy giờ”. 
    Việc đưa một công nghệ phôi thai trong phòng thí nghiệm trở thành một công nghệ thuần thục ở quy mô công nghiệp và thu được hai liều rưỡi vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế từ một quả trứng mất gần 15 năm mồ hôi, nước mắt.
    Với sự hỗ trợ của quốc gia và quốc tế, IVAC đã chuẩn bị lực lượng. Đó là “những ê kíp có tinh thần học hỏi để theo sự hướng dẫn một cách bài bản và có tính dây chuyền. Quá trình triển khai sản xuất thử trên dây chuyền mới, từ năm 1986 đến năm 1990, tất cả đều có các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm sản xuất vaccine trên quy mô công nghiệp đến hướng dẫn, kể cả công tác kiểm định. Đây là cách đi khá bài bản”, ông nhận xét. Sự chuyển đổi từ quy mô thủ công sang quy mô công nghiệp bao hàm nhiều thăng trầm riêng có của nghề vaccine. “Có những lúc thất bại hoàn toàn về mặt kỹ thuật – không đạt chất lượng, kể cả chuyên gia nước ngoài hướng dẫn cũng thất bại. Với vaccine DPT, tôi nhớ là mình sản xuất ra thành phần kháng nguyên riêng rẽ một hai năm rồi song khi phối trộn trong một hai năm vẫn không đạt yêu cầu…” Khi nhắc đến một sản phẩm, người ta thường nghĩ về thành công nhưng thực ra để làm nền cho sự thành công ấy là biết bao thất bại… Phải mất rất nhiều thời gian và công sức thì cuối cùng, IVAC mới chạm đến ngưỡng thành công. 
    Nhớ lại bối cảnh khi đất nước mới bước vào giai đoạn mở cửa sau Đổi mới và vẫn còn vật lộn với khó khăn nhưng ngành vaccine, trong đó có IVAC, đã có thể tự sản xuất được các loại vaccine cơ bản (bạch hầu, ho gà, uốn ván, tả, bại liệt, sởi, lao) để cung cấp cho chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, PGS. TS Lê Văn Bé không khỏi xúc động. “Vào đầu những năm 1990, khi IVAC thành công với vaccine DPT và BCG, cùng với vaccine bại liệt của Polyvac ở Hà Nội, Việt Nam đã tạo ra một tiếng vang rất lớn. WHO nói là ‘Không ngờ ở một quốc gia kém phát triển như Việt Nam, một nơi có viện trưởng là nữ – giáo sư Nguyễn Thị Kê – mà sản xuất được vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế’”.
    Tiếng vang đó đã trở thành hiệu ứng lan tỏa cho IVAC trong hợp tác quốc tế để nâng cấp và mở rộng sản phẩm. Nhưng đạt được những điều đó, có bao giờ dễ dàng.
 
Đàn ngựa IVAC nuôi ở Trại chăn nuôi Suối Dầu đã góp phần đem lại những liều huyết thanh quý
kháng dại, kháng nọc rắn. Nguồn: IVAC

Công nghệ kết nối liên thế hệ 

    “Những gì chúng tôi có ngày hôm nay là thành quả công sức của những người đi trước, từ cơ sở vật chất, kỹ thuật nền tảng của bậc tiên tổ như Yersin đến sự đóng góp mở đường của các thế hệ kế tục. Tôi có nói với anh em là chúng ta đang được thừa hưởng rất nhiều từ thế hệ trước, vì vậy nhiệm vụ của chúng ta là tiếp tục làm để thế hệ sau tiếp nối…”, TS. Dương Hữu Thái chia sẻ như vậy trong một buổi chiều tháng sáu mà anh vừa ký một số công văn, thủ tục liên quan đến quá trình chuẩn bị phát triển sản phẩm mới, huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp và rắn cạp nia Bắc. 
    Có một sợi dây kết nối liên thế hệ ở IVAC ngay trong những sản phẩm họ làm ra. Các huyết thanh kháng nọc rắn hay kháng dại, từ nỗ lực của Yersin hay Calmette, sau cả trăm năm tiến hóa hiểu biết, đã được đắp bồi bằng những giá trị mới. Mặc dù về nguyên lý, những kỹ thuật viên ngày nay của IVAC vẫn thực hành theo các bước mà Yersin đã thiết lập nhưng công nghệ mới đã đem lại sự khác biệt. Nếu phương pháp cổ điển là dùng màng bán thấp theo cơ chế tự thấm từ nơi có nồng độ cao sang nồng độ thấp để loại bỏ tạp chất là protein không đặc hiệu thì hệ thống lọc tiếp tuyến TFF, bơm tuần hoàn để loại tạp chất qua màng lọc và kỹ thuật hóa miễn dịch để kiểm tra chất lượng… mà IVAC học được thông qua hợp tác với Viện Huyết học và Truyền máu Hà Lan (CLB) vào những năm 2000 cho phép tạo ra sản phẩm không chỉ tinh sạch hơn mà sản lượng cũng cao hơn, gấp 3 đến 5 lần so với cách làm cũ. TS. Dương Hữu Thái nói, “và cho đến nay, công suất sản xuất các loại huyết thanh còn gấp khoảng 10 lần so với giai đoạn đó”.
    Nếu kinh nghiệm, công nghệ lõi và dây chuyền tinh chế mở ra cơ hội đa dạng hóa sản phẩm huyết thanh thì công nghệ vaccine trên trứng gà có phôi là một di sản mới của IVAC. Đây là một công nghệ cổ điển có từ những năm 1960 nhưng vẫn có nhiều hứa hẹn, bởi “chỉ cần phân lập được loại virus cúm gây bệnh thì trên quy trình có sẵn rồi, ngay lập tức có thể sản xuất được vaccine ngay, không phải chờ đợi gì cả”, TS. Vũ Minh Hương khái quát về sự linh hoạt của thứ công nghệ chiếm tới 80% thị phần các loại vaccine cúm trên thế giới. Đó là lý do anh và cộng sự ở PATH đã đi cùng IVAC “qua ba đời viện trưởng” để gây dựng quy trình sản xuất vaccine cúm đại dịch và sau là cúm mùa đạt tiêu chuẩn quốc tế, “bởi luôn luôn trong đầu chúng tôi nghĩ vaccine Việt Nam sản xuất phải đạt chuẩn quốc tế”. Dựa trên yếu tố nào mà PATH tin IVAC sẽ đạt được điều đó? “Khi khảo sát, chúng tôi thấy IVAC, bằng kinh phí đầu tư của Bộ Y tế, Bộ KH&CN và của chính họ, đã tự nghiên cứu công nghệ trứng gà có phôi. Tuy rất sơ khai nhưng với những điều kiện ban đầu như vậy, chúng tôi biết ngay là có thể giúp họ thành công”, anh nói. 
    “Có những ý nghĩa của vaccine đối với xã hội mà người trong cuộc không thể nói hết trong khi sự phát triển của vaccine lại phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn và chính sách”. 
    Dự án kết nối các chuyên gia kỳ cựu chuyên làm cho các nhà sản xuất lớn thế giới sang hỗ trợ IVAC được PATH đánh giá “không chỉ là tạo ra một vaccine như một biện pháp can thiệp sức khỏe mà còn là một biểu tượng của phát triển và hy vọng”. Quả thật, nó đem lại cho IVAC một năng lực mới, làm chủ được toàn bộ công nghệ lõi, từ quy trình nuôi gà lấy trứng sạch, kiểm soát 12 tác nhân gây bệnh đến quy trình sản xuất. Nhưng để có được điều đó, IVAC đã phải lao động cật lực, thậm chí bàn đi tính lại rất nhiều. “IVAC thì tính cái gì cũng phải chắc ăn và khả thi. Nhưng đó là một chiến lược tốt trong sản xuất vaccine”, TS. Vũ Minh Hương nhận xét. 
    Với IVAC, sự chắc ăn và khả thi cũng giá trị như tính hiệu quả và an toàn của vaccine. Làm chủ được công nghệ lõi với những mẻ vaccine cúm A/H5N1 đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng nhà xưởng và anh em trong ê kíp sản xuất thì sao? Có phải lúc nào cũng có đại dịch để sản xuất đâu trong khi trên thực tế, một cơ sở sản xuất vaccine dừng hoạt động sáu tháng là cơ sở vật chất xuống cấp? Những câu hỏi đó cử lẩn quẩn trong đầu ban lãnh đạo IVAC. “Tôi bàn với PGS. TS Lê Văn Bé là phải tìm cách nuôi dây chuyền sản xuất cúm đó. Ngày ấy, PGS.TS Bé quyết định chuyển sang vaccine cúm thế hệ hai là vaccine cúm mùa ba chủng, dạng mảnh”, TS. Dương Hữu Thái kể lại. 
    Đó là một sự lựa chọn sáng suốt mà ngày hôm nay đã chứng minh được giá trị – IVAC đã có sản phẩm để nuôi công nghệ, nuôi anh em và cung cấp cho thị trường trong nước, nơi mới chỉ có 3 đến 4% dân số có thói quen tiêm phòng cúm mùa hằng năm. Nhưng sự lựa chọn ấy đi cùng với một thách thức mới. Không hoàn toàn chỉ là thách thức kỹ thuật, dẫu về mặt nào đó thì cũng không dễ thực hiện: các kỹ thuật viên phải dùng hóa chất để phá vỡ cấu trúc vật liệu gặt được từ quá trình nuôi cấy vector virus trong “lồng ấp sinh học đặc biệt” là trứng gà có phôi thành những mảnh nhỏ, sau đó dùng các kỹ thuật thu mảnh để làm vaccine. “Mảnh to thì dễ thu hơn là mảnh nhỏ, mảnh nhỏ mà không thu được thì giảm hiệu suất mà giảm hiệu suất thì liên quan đến hiệu quả kinh tế”, TS. Dương Hữu Thái giải thích. Một lần nữa, PATH hỗ trợ IVAC khi mời một chuyên gia mà theo đánh giá của anh là “thiên tài về hiệu suất”. Nhờ vậy, từ một quả trứng, thường IVAC chỉ thu được một liều đến liều rưỡi vaccine thì giờ “vẫn quả trứng ấy, vẫn quy trình ấy nhưng cân đối được cả độ tinh khiết lẫn hiệu suất để thu được hai liều rưỡi”. 
    Việc đưa một công nghệ phôi thai trong phòng thí nghiệm trở thành một công nghệ thuần thục ở quy mô công nghiệp và thu được hai liều rưỡi vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế từ một quả trứng mất gần 15 năm mồ hôi, nước mắt. “Một vaccine đòi hỏi hàng chục năm nghiên cứu nhưng cũng cần mức thời gian tương đương để tiếp nhận và làm chủ công nghệ”, ThS Nguyễn Thành Tín nói bằng kinh nghiệm của một chuyên gia hơn 30 năm làm vaccine BCG. 
 
Nghĩ gì về tương lai?
 
    IVAC ngày nay nắm giữ trong tay nhiều công nghệ quan trọng của nghề: công nghệ đông khô, tách lọc và tinh chế; công nghệ phối trộn vaccine đa giá hấp phụ tá chất; công nghệ gây miễn dịch và khai thác huyết thanh từ máu ngựa; công nghệ sản xuất vaccine trên trứng gà có phôi; các kỹ thuật kiểm định… Và cả một hệ thống cơ sở vật chất rộng hơn 113 ha ở Suối Dầu mà trong cuộc trao đổi vào năm 2015 với Tia Sáng, giáo sư Nguyễn Thu Vân cho rằng đó là ưu thế rất lớn của IVAC. 
    Là một người gắn bó với IVAC từ thuở mới tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội, TS. Dương Hữu Thái nhận xét “Lợi thế của IVAC là mọi người ở đây đều là thầy trò của nhau. Thế hệ trước đào tạo thế hệ sau, việc chuyển việc và tích lũy dần dần nên ai cũng thấy bước mình phải đi và điều mình phải làm. Nói chung, nếu thấy một đơn vị sản xuất vaccine mà có bề dày kinh nghiệm thì chắc chắn sẽ có sự ổn định”.
 
Thỏ, chuột, gà ở Trại Chăn nuôi Suối Dầu có mặt trong những thử nghiệm lâm sàng
các dược chất và sinh phẩm mới. Nguồn: IVAC
    Nghĩa là mọi người đều gắn bó với IVAC theo năm tháng như một lẽ tất nhiên? Điều này có vẻ khá lạ trong thời buổi kinh tế thị trường, sự tự do nhảy việc dường như phổ biến. “Thường ở IVAC ít người bỏ ngang, ngoại trừ lý do như gia đình chuyển đi nơi khác chẳng hạn. Hầu như tất cả những người làm tại IVAC đều có sự gắn bó thế hệ, bố mẹ làm rồi đến con làm, cháu làm…”, ThS Nguyễn Văn Minh, trại trưởng Trại Chăn nuôi Suối Dầu của IVAC và là người theo chân bố mẹ đến ở trại Suối Dầu từ lúc tuổi lên 10, kể. Ngoài đồng lương khá ổn định, những người làm ở đây, từ kỹ thuật viên đến công nhân chăm sóc chuột, gà, ngựa, đều thấy công việc của mình liên quan đến sức khỏe, tính mạng hay số phận con người. “Ở Nha Trang, cái câu nói ‘tôi làm ở Viện Vắc xin’ nó tự hào lắm. Nhiều lúc đọc cho anh em nghe những bài báo nói liều huyết thanh ở Viện giúp cứu tính mạng người bị rắn độc cắn hay chó cắn ở vùng này, vùng khác, nhiều người đã khóc vì không nghĩ việc mình làm lại có ý nghĩa như vậy”, anh nói. “Một giọt huyết thanh cũng là đáng quý, mình phải biết trân trọng nó. Kể cả động vật thí nghiệm nữa, vì nó liên quan đến thuốc mình làm ra. Thuốc mình tốt thế nhưng vẫn cần thử nghiệm. Đó là lý do người ở đây ai cũng gắn bó và yêu quý động vật”.
    Niềm tự hào riêng có của những người làm ở IVAC chính là nhận thấy ý nghĩa xã hội từ sản phẩm mình làm ra. “Giá trị của vaccine không thể tính được bằng tiền đâu. Nếu chỉ lấy hiệu quả kinh tế để cân đo đong đếm thì thật sai lầm, người ta phải nghĩ đến ý nghĩa tác động của nó về mặt xã hội”, PGS. TS Lê Văn Bé, người cả sự nghiệp dành cho IVAC, nói. Ừ nhỉ, ngay cả khi IVAC sản xuất độc quyền vaccine này hay sinh phẩm kia thì đâu có nghĩa có thể tự nâng giá thành để thu lợi nhuận theo quy luật cung cầu của thị trường. “Có bao giờ mấy ông nhà giàu vào rừng vào rẫy để bị rắn cắn, từ trước đến nay hầu như là người nghèo bị rắn cắn, giá cao thì tiền đâu trả được. Có lúc bệnh viện gọi là IVAC sẵn sàng đưa xe chở huyết thanh tới Bình Thuận, Ninh Thuận… bất kể sáng chiều, còn chuyện tiền bạc tính sau”, ThS Nguyễn Văn Minh kể.
    Tuy nhiên, đây lại là một thách thức với chính IVAC, một nơi hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự hạch toán để nuôi quân từ nhiều năm: buộc phải làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế với mức giá 12 năm không đổi, buộc phải sản xuất vaccine dưới công suất bởi lượng đặt hàng của nhà nước chỉ có vậy. Tại sao IVAC và các đơn vị sản xuất vaccine của Việt Nam không nghĩ đến xuất khẩu? Câu chuyện của ngành vaccine phức tạp hơn người ta tưởng. GS. Nguyễn Thu Vân từng giải thích, Việt Nam mới đạt được chứng nhận Hệ thống quản lý vaccine (NRA), nhưng chỉ là điều kiện cần; điều kiện đủ là các nhà sản xuất phải vượt qua quá trình Tiền thẩm định (Pre Qualification – PQ) của WHO và xác nhận của các bên liên quan để được phép tham gia đấu thầu quốc tế. Không cơ sở nào ở Việt Nam đủ tài lực theo được quy trình này.
    Tất cả như một cái vòng lẩn quẩn: sản phẩm làm ra với mức giá thấp, sản lượng ít thì khó thể có lãi, muốn thu lợi nhuận để bù vào thì phải có tiềm lực phát triển các công nghệ và sản phẩm mới… “Trong quá trình phát triển một vaccine, thường là bỏ công sức, tài lực ra trước còn thành quả thì hưởng sau, mất 10-15 năm là chuyện bình thường. Đương nhiên có ý kiến nói là đầu tư cho vaccine lâu quá, cứ nghi ngờ không đánh giá được hiệu quả, 10-20 năm không biết có được hay không”, PGS. TS Lê Văn Bé không dấu nỗi đau đáu. “Có những ý nghĩa của vaccine đối với xã hội mà người trong cuộc không thể nói hết trong khi sự phát triển của vaccine lại phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn và chính sách”.
    Đó là trăn trở của IVAC. Bởi thật nghịch lý khi những công nghệ mới ra đời liên tiếp, không thể không tiếp cận, nhưng nếu tiếp cận thì lấy nguồn lực nào? “Ngành công nghiệp vaccine mới có bước đột phá sau đại dịch COVID-19 với hàng loạt công nghệ mới, hướng nghiên cứu mới, tá chất mới, sản phẩm mới được phát triển và được cấp phép sử dụng. Không riêng IVAC mà các nhà sản xuất khác của Việt Nam cần theo đuổi, tiếp cận và phát triển công nghệ mới, nếu không muốn bị tụt hậu”, TS. Dương Hữu Thái trả lời qua e-mail sau khi biết tin giải Nobel Y sinh 2023 thuộc về các nhà phát triển vaccine mRNA. “Nhưng để làm được điều này, cần có những chính sách đồng bộ, phù hợp, đầu tư không chỉ cho nghiên cứu vaccine mà còn cả hệ sinh thái xung quanh…”. Dấu ba chấm bỏ lửng như sự đắn đo của người thấy quá nhiều thứ ngổn ngang trước mắt, không thể vượt qua chỉ bằng thuần túy khẩu hiệu. 
    Ừ nhỉ, người làm vaccine cần quá nhiều điều kiện cần và đủ, đâu chỉ mình IVAC. Ngoài sự bền bỉ gìn giữ di sản trăm năm, họ cần cả những “cơn mưa” chính sách để quá trình ấy bớt rủi ro hơn.
 
Link bài viết: https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vien-vac-xin-va-sinh-pham-y-te-ivac-gia-tri-cua-su-ben-bi/