Thứ năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
IVAC triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin COVID-19 mới có giá thành hợp lý được sản xuất tại Việt Nam
   Nha Trang, ngày 15/03/2021 - Hôm nay, một nghiên cứu lâm sàng để đánh giá vắc xin COVIVAC, ứng viên vắc xin COVID-19 mới, có tiềm năng mở rộng sản xuất trong nước với giá thành phải chăng bắt đầu được triển khai tại Việt Nam. Nghiên cứu giai đoạn 1/2 này là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm tăng cường khả năng cung cấp và tiếp cận vắc xin COVID-19 trong nước. Nghiên cứu do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) tài trợ và được thực hiện bởi các nghiên cứu viên của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội. Nghiên cứu đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin ở người trưởng thành khỏe mạnh. Giai đoạn 1 được thực hiện tại Trường Đại học Y Hà Nội. Nếu kết quả của giai đoạn 1 cho thấy vắc xin có thể tiếp tục được đánh giá trên lâm sàng thì giai đoạn 2 sẽ được thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
   Một lợi thế của vắc xin này là được sản xuất trên công nghệ trứng gà có phôi, tương tự như công nghệ sản xuất vắc xin cúm truyền thống đang được sử dụng rộng rãi. Điều này đồng nghĩa là Việt Nam đã có sẵn năng lực sản xuất vắc xin đại dịch trên quy mô lớn với giá thành phải chăng. Nghiên cứu đầu tiên trên người này là một bước quan trọng để xác định xem liệu vắc xin này có thể là một giải pháp tiềm năng cho công cuộc phòng chống COVID-19 hay không. Nghiên cứu được thiết kế theo các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất về an toàn và cách thức triển khai. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp xác định liệu vắc xin có an toàn và có khả năng đáp ứng miễn dịch để tiến hành các nghiên cứu lâm sàng tiếp theo không và xác định loại công thức, liều lượng vắc xin tối ưu.
   “Để phòng chống đại dịch COVID-19, lời kêu gọi mở rộng quy mô sản xuất vắc xin là chưa từng có trong lịch sử. Nhu cầu vắc xin tiếp tục vượt quá nguồn cung, khiến cho cộng đồng lo lắng” - Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC cho biết. “Chúng tôi có niềm tin khi tiến hành các nghiên cứu lâm sàng vì vắc xin được sản xuất trong nước có thể nâng cao khả năng bảo vệ người dân Việt Nam một cách bền vững với chi phí hợp lý, giảm sự phụ thuộc vào vắc xin nhập khẩu, hơn nữa còn có khả năng cung cấp cho các nước khác trên thế giới”.
   Chủng sản xuất vắc xin thử nghiệm này được phát triển tại Hoa Kỳ bởi TS. Peter Palese, TS. Adolfo Garcia-Sastre và TS. Florian Krammer tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai, New York. Vắc xin này hoạt động bằng cách sử dụng vi rút Newcastle (NDV) được bất hoạt để giúp cơ thể sản sinh ra miễn dịch chống lại COVID-19.
   “Chúng tôi vui mừng khi phát triển một loại vắc xin COVID-19 an toàn, hiệu quả, chi phí thấp và ổn định, bảo vệ được phần lớn dân số Việt Nam khỏi loại vi rút này”, Tiến sĩ Peter Palese, Chủ nhiệm Khoa Vi sinh tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai cho biết.
    Vắc xin thử nghiệm tại Việt Nam này có một thành phần quan trọng là HexaPro, một loại protein S có khả năng ổn định nhiệt do Đại học Texas tại Austin (UT Austin) phát triển. Phó giáo sư sinh học phân tử và Chủ tịch Welch tại UT Austin, Jason McLellan, cùng với nhóm các nhà nghiên cứu của ông cũng đóng góp vào việc thiết kế một phiên bản trước đó của protein S, là cơ sở của ít nhất ba loại vắc xin COVID-19 hiện đang được sử dụng trên toàn cầu. 
    “Nhóm nghiên cứu chúng tôi rất vui mừng vì protein S ổn định nhiệt thế hệ thứ hai của chúng tôi là một phần của vắc xin này. Chúng tôi hy vọng vắc xin sẽ an toàn, hiệu quả, có giá thành phải chăng, cho phép nhiều người trên khắp thế giới được bảo vệ chống lại sự lây lan của COVID-19” ông McLellan nói.
    Thông qua các thỏa thuận với Mount Sinai và Đại học Texas, tổ chức PATH đang tiến hành hỗ trợ IVAC và các nhà sản xuất vắc xin khác trên thế giới tiếp cận để phát triển sản xuất vắc xin COVID-19. Trong nỗ lực thúc đẩy việc cung ứng vắc xin có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận, PATH đóng vai trò hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật trong quá trình phát triển vắc xin.
    Để đáp ứng nhu cầu cấp bách của đại dịch, Việt Nam đã thực hiện các thỏa thuận song phương hoặc đàm phán với một số nhà cung ứng vắc xin COVID-19 quốc tế và có đủ điều kiện tham gia Giải pháp tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19 toàn cầu (COVAX Facility) - một cơ chế chia sẻ rủi ro toàn cầu do Gavi, Liên minh vắc xin & tiêm chủng toàn cầu quản lý để tổng hợp mua sắm và phân phối công bằng vắc xin COVID-19. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có nguồn cung ứng vắc xin COVID-19 trong nước - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển năng lực trong nước để đảm bảo rằng người dân có thể tiếp cận với các vắc xin giá cả phải chăng, an toàn và hiệu quả sau giai đoạn cấp tính của đại dịch. Bằng cách thúc đẩy phát triển vắc xin COVID-19, IVAC hiện là một trong số các nhà sản xuất vắc xin của Việt Nam đang nỗ lực giải quyết nhu cầu nói trên.
    Giới thiệu về IVAC
    Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), do Bộ Y tế Việt Nam thành lập năm 1978,  với chức năng nghiên cứu và sản xuất các loại vắc xin và huyết thanh cho công tác phòng chống và điều trị bệnh tật nói chung tại Việt Nam. IVAC đã tham gia vào việc sản xuất vắc xin cho một số bệnh bao gồm bạch hầu, uốn ván, ho gà, cúm và lao.