Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024
Hợp tác quốc tế
Hình ảnh
THÔNG TIN ĐẤU THẦU
VIỆN VẮC XIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
Thêm 5 trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu ở Quảng Nam
Nguồn: Tin: theo Báo Người Lao động ngày 13/10/2017 Ảnh: theo Báo Nhân dân Điện tử ngày 14/10/2017
(NLĐO) – Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Nam Trà My đã phát hiện 12 trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu.

Ngày 13-10, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho hay vừa ghi nhận thêm 5 trường hợp trẻ em ở xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có các triệu chứng của bệnh bạch hầu. Trong đó, 1 em bị nặng đã chuyển xuống Bệnh viện Nam Trà My điều trị, 4 em nhẹ hơn đang điều trị tại Trạm Y tế xã Trà Vinh.

Như vậy, tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Nam Trà My đã phát hiện 12 trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu. Trước đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam ghi nhận có ổ dịch bạch hầu xảy ra tại Trường Tiểu học Trà Vân (huyện Nam Trà My) với 7 trường hợp mắc bệnh có dấu hiệu sưng hạch và có giả mạc hầu họng.
Qua xét nghiệm, cả 7 trường hợp đều dương tính với vi khuẩn bạch hầu, tất cả các em trong độ tuổi từ 8-12, gồm 3 nam, 4 nữ. Hiện 6 ca bệnh đang được điều trị tại Bệnh viện Nam Trà My và tiến triển tốt, riêng đối với ca bệnh Hồ Bảo Phúc (SN 2009) phát bệnh ngày 27-9 được điều trị tại Bệnh viện Nam Trà My và chuyển đến Biện viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng nhưng đã tử vong vào ngày 3-10.

Trong 2 ngày 12 và 13-10, Đoàn công tác từ Viện Paster Nha Trang và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam đã đến huyện Nam Trà My để tiếp tục phòng chống bệnh bạch hầu tại xã Trà Vân, Trà Vinh và các vùng lân cận.

Điều đáng nói, 90% người dân ở đây là đồng bào dân tộc thiểu, nhận thức còn hạn chế và điều kiện đi lại khó khăn nên công tác phòng chống bệnh tật nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, Viện Paster Nha Trang dự kiến sẽ cấp 30.000 liều vắcxin để tiêm chủng cho 2 xã Trà Vân, Trà Vinh và các điểm của trường học của huyện Nam Trà My. Ngoài ra, tiếp tục đề xuất triển khai tiêm toàn huyện Nam Trà My cho đối tượng từ 5 - 40 tuổi (vaccin Td) và từ 1 - 4 tuổi (vacxin DPT).

Tháng 7-2015, tại tỉnh Quảng Nam từng ghi nhận ổ dịch bạch hầu tại huyện Phước Sơn làm 6 người chết. Tháng 1 năm nay, tại Trường THPT Tây Giang (huyện Tây Giang) cũng xuất hiện ổ dịch bạch hầu và học sinh tử vong. Tháng 5, tại huyện Tây Giang tiếp tục ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 1 người chết.
 

Theo các bác sĩ, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bất cứ người nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể lây nhiễm. Dịch bạch hầu bùng phát không theo mùa rõ rệt, chỉ cần có nguồn bệnh sẽ lây nhiễm. Khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, vi khuẩn phát tán ra xung quanh theo đường không khí và lây bệnh cho người lành. Ngoài ra, tiếp xúc qua da khi bị trầy xước cũng dẫn đến lây lan vi khuẩn bạch hầu.

  Triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là viêm họng, có lớp màng giả màu trắng   do các tế bào bị viêm bám vào trong vòm họng. Nếu không điều trị, màng này lan rộng lấp đầy đường hô hấp khiến bệnh nhân ngạt thở. Không giống như các vi khuẩn thông thường khác, vi khuẩn bạch cầu gây viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm nhất là độc tố của vi khuẩn có thể theo máu tác động lên các cơ quan chính của cơ thể làm viêm tim, viêm thận. Thậm chí vi khuẩn tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay, liệt chân, mắt lé, giọng nói của người bệnh có thể thay đổi do bị ngọng thanh quản...